Tin: 02/12/2023 Nghệ An: Tập trung chỉ đạo, thực hiện công tác tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm năm 2023

Năm 2022 trên địa bàn tỉnh xảy ra các ổ dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP), Viêm da nổi cục (VDNC), Lở mồm long móng (LMLM), Cúm gia cầm (CGC), Dại,... Trong đó, bệnh DTLCP xảy ra rải rác ở nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh. Các ổ dịch đã làm mắc bệnh, chết, buộc phải tiêu hủy nhiều gia súc, gia cầm, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi và ngân sách Nhà nước.

Nguyên nhân dịch xảy ra chủ yếu do:
(1) Đàn gia súc, gia cầm không được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin để tạo miễn dịch chủ động;
(2) Một số chính quyền địa phương còn buông lỏng công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là công tác chỉ đạo tiêm phòng cho đàn vật nuôi;
(3) Người chăn nuôi chủ quan, lơ là không tiêm phòng cho đàn vật nuôi, nóng vội tái đàn khi chưa đủ điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học;
(4) Lưu lượng vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh lớn.

Để tạo miễn dịch chủ động cho đàn vật nuôi, hạn chế tối đa dịch bệnh phát sinh và lây lan. Ngày 07/2/2023 Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Công văn số 713/UBND-NN yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức chỉ đạo, thực hiện tốt công tác tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm năm 2023, trong đó tập trung một số nội dung sau:

1. UBND các huyện, thành phố, thị xã
- Giao phòng Nông nghiệp và PTNT/Kinh tế chủ trì, phối hợp Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp chỉ đạo, hướng dẫn UBND cấp xã rà soát, thống kê tổng đàn gia súc, gia cầm. Xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu tiêm phòng cho từng địa phương bảo đảm tỷ lệ đạt trên 80% tổng đàn đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật phải phòng bệnh bắt buộc bằng vắc xin theo quy định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, cụ thể là:
+ Bệnh ở trâu bò: Lở mồm long móng, Tụ huyết trùng, Viêm da nổi cục.
+ Bệnh ở lợn: Lở mồm long móng, Tụ huyết trùng, Dịch tả lợn;
+ Bệnh ở dê, cừu: Lở mồm long móng;
+ Bệnh ở gà, chim cút: Cúm gia cầm (thể độc lực cao), Niu cát xơn;
+ Bệnh ở vịt, ngan: Cúm gia cầm (thể độc lực cao), Dịch tả vịt;
+ Bệnh ở chó, mèo: Dại động vật.

- Tổng hợp số liệu tổng đàn, đăng ký nhu cầu các loại vắc xin cần mua vụ Xuân năm 2023 gửi Sở Nông nghiệp và PTNT (qua Chi cục Chăn nuôi và Thú y, bản mềm gửi qua địa chỉ email: [email protected]) trước ngày 25/02/2023.
- Triển khai kế hoạch tiêm phòng gia súc, gia cầm vụ Xuân từ 15/3/2023 đến 15/4/2023, vụ Thu từ 15/9/2023 đến 15/10/2023. Riêng đối với vắc xin Dại chó, vắc xin Viêm da nổi cục trâu, bò: Mỗi năm chỉ tiêm 01 mũi vắc xin (có miễn dịch bảo hộ 01 năm) và tổ chức tiêm phòng lồng ghép với vụ Xuân. Ngoài đợt tiêm phòng chính, tổ chức tiêm bổ sung cho vật nuôi chưa được tiêm, nuôi mới hoặc hết thời gian miễn dịch.
Lưu ý: Vắc xin Viêm da nổi cục trâu, bò không tiêm cùng thời điểm với các loại vắc xin khác (nên tiêm phòng vắc xin viêm da nổi cục trước ngày 15/3 và khoảng cách với các loại vắc xin khác cho trâu, bò tối thiểu là 07 ngày).
- Bố trí kinh phí để triển khai thực hiện hiệu quả các Kế hoạch phòng chống dịch bệnh động vật đã được UBND tỉnh phê duyệt: Phòng chống dịch bênh gia súc, gia cầm và thuỷ sản năm 2023 (Quyết định số 4132/QĐ-UBND ngày 22/12/2022), DTLCP (Quyết định số 3385/QĐ-UBND ngày 01/10/2020), LMLM (Quyết định số 115/QĐ-UBND ngày 15/01/2021), CGC (Quyết định số 1116/QĐ-UBND ngày 09/4/2019), VDNC (Quyết định số 5179/QĐ-UBND ngày 30/12/2021), Dại (Quyết định số 766/QĐ-UBND ngày 24/3/2022), Thủy sản (Quyết định số 1968/QĐ-UBND ngày 18/6/2021).

- Đối với các huyện được hỗ trợ vắc xin theo Chương trình Quốc gia và theo chính sách của UBND tỉnh: trường hợp số lượng các loại vắc xin hỗ trợ không đủ, giao các huyện, thành, thị chủ động bố trí kinh phí hoặc chỉ đạo người chăn nuôi mua thêm vắc xin để tiêm phòng đạt tỷ lệ bảo hộ miễn dịch.
- Giao Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp là đơn vị đầu mối để tiếp nhận các loại vắc xin, hóa chất, vật tư...; hoàn thiện hồ sơ thanh quyết toán; tổng hợp báo cáo theo quy định.
- Thực hiện cập nhật, báo cáo tiến độ hàng tuần và kết quả tiêm phòng cho Sở Nông nghiệp và PTNT qua Chi cục Chăn nuôi và Thú y (bao gồm cả kết quả tiêm phòng của các trang trại tự mua vắc xin tiêm phòng). Đánh giá kết quả tiêm phòng và có hình thức phê bình Chủ tịch UBND các phường, xã, thị trấn có tỷ lệ tiêm phòng đạt thấp.
- Các địa phương chưa bố trí chức danh thú y cấp xã theo Nghị quyết số 23/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 22/2019/NQ-HDNND ngày 12/12/2019 của HĐND tỉnh, khẩn trương bố trí để tổ chức tốt công tác tiêm phòng, chống dịch bệnh năm 2023. Tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho thú y cơ sở trên địa bàn để triển khai tốt các đợt tiêm phòng, lấy mẫu, giám sát dịch bệnh và chống dịch.

2. Sở Nông nghiệp và PTNT
- Chủ trì phối hợp với UBND cấp huyện, các đơn vị liên quan thành lập các đoàn kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn công tác tiêm phòng vắc xin gia súc, gia cầm năm 2023, kịp thời tháo gỡ vướng mắc tại cơ sở.
- Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y:
+ Căn cứ đặc điểm, tình hình dịch tễ trên địa bàn tỉnh, lựa chọn chủng loại vắc xin phù hợp để sử dụng tiêm phòng có hiệu quả. Phối hợp với UBND cấp huyện tổng hợp nhu cầu vắc xin, đăng ký với Cục Thú y, đơn vị sản xuất vắc xin cung ứng đầy đủ, kịp thời cho các địa phương.
+ Tổng hợp, báo cáo về Sở Nông nghiệp và PTNT tiến độ hàng tuần, kết quả tiêm phòng để biết và có giải pháp chỉ đạo kịp thời.
3. Các tổ chức, cá nhân hoạt động chăn nuôi, thú y trên địa bàn tỉnh
- Chấp hành nghiêm Luật Thú y, Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT trong công tác tiêm phòng, phòng chống dịch bệnh động vật.
- Thực hiện nghiêm việc kê khai hoạt động chăn nuôi theo Luật Chăn nuôi, Thông tư số 23/2020/TT-BNNPTNT ngày 30/11/2019 của Bộ Nông nghiệp và PTNT Hướng dẫn một số điều của Luật Chăn nuôi về hoạt động chăn nuôi.
- Đối với các cơ sở, doanh nghiệp cung ứng con giống phải tổ chức tiêm phòng và đảm bảo các điều kiện theo quy định hiện hành.
- Đối với các trang trại chăn nuôi phải có lịch tiêm phòng cụ thể và thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo quy định. Báo cáo việc xuất, nhập đàn, kết quả tiêm phòng cho UBND cấp xã biết để quản lý và tổng hợp báo cáo cho UBND cấp huyện.
Những tổ chức, cá nhân không chấp hành kê khai hoạt động chăn nuôi, không tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật theo quy định,... khi dịch xảy ra buộc tiêu hủy sẽ không được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo quy định, đồng thời bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Thú y theo Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y.

Nguyễn Viết Lương - Chi cục Chăn nuôi và Thú y.

NHÀ PHÂN PHỐI THUỐC THÚ Y ĐỘC QUYỀN
Công Ty TNHH Nông Nghiệp Hoàng Long - Hoang Long Agriculture Co.,Ltd
Địa chỉ: Số 27C Khu Villa Pegasus, Phường Long Bình Tân ,Tp.Biên Hòa, Đồng Nai, Việt Nam 
(Company code 3603246464 issued by Department of Planning and Investment of Dong Nai province)
Điện thoại: 0251 8837 227 - Fax: 0251.837.287
Email: [email protected] - Website: www.hoanglongagri.vn